TÀO THÁI HẦU LÀ AI?
WEDnesday - 14/10/2015 11:00
Trong các bộ lịch sử nước ta như Đại Việt sử ký toàn thư (Bản Kỷ tục biên, 1676-1740, tập I), Việt sử thông giám cương mục(1) khi chép về sự kiện các quan đại thần triều Lê Ý Tông là Nguyễn Quý Kính, Nguyễn Công Thái, Trương Khuông, Nguyễn Đình Hoàn v.v.. vào tháng giêng năm Canh Thân (1740) đã đứng ra phế truất chúa Trịnh Giang vì “Trịnh Giang hoang dâm càn dỡ, bọn hoạn quan chuyên quyền, mọi việc ngang trái rối loạn, trộm giặc nổi dậy khắp nơi, dân chúng trong kinh ngoài trấn nôn nao lo sợ”(2) và đưa Trịnh Doanh (em ruột Trịnh Giang) lên ngôi chúa. Các quan đại thần có “mật hẹn với Tào thái hầu (sót họ tên)… đưa sắc văn và chỉ dụ của vua đến…”(3). “Tào thái hầu” chỉ là tước, chưa phải họ và tên. Vậy tên họ đích thực của người này là gì, theo tôi, cho đến nay nhiều người vẫn chưa biết!
Phủ chúa Trịnh
Cách đây mấy năm tôi về công tác ở cơ sở đã được cụ Nguyễn Đình Kỷ 77 tuổi (nay đã mất) ở xóm Dinh, thôn Quán La, Xã Xuân La, huyện Từ Liêm, thành phố Hà Nội cho xem Gia phả họ Nguyễn Đình(chữ Hán) soạn năm Gia Long thứ nhất (1802) và bản dịch ra chữ quốc ngữ (đánh máy). Theo Gia phả thì dòng họ này quê gốc ở xã Hương Duệ, huyện Hỳ Hoa (Hà Tĩnh) sau di cư ra phủ Thiệu Hóa (Thanh Hóa) đến đời thứ 8 là Nguyễn Đình Đống làm quan võ triều Lê - Trịnh đến chức Phụ quốc Thượng tướng quân, sau thăng Thiếu phó Quốc sư, được ban thực ấp ở làng Quán La ven Hồ Tây. Ông xây dựng dinh thự ở đấy, nên đến nay, nhân dân địa phương vẫn gọi là Xóm Dinh.
Nguyễn Đình Đống có 6 người con trai thì đã có 2 người tham gia vào vụ phế Trịnh Giang, phù Trịnh Doanh này. Người con cả là Nguyễn Đình Hoàn lúc đó đang giữ chức Tả đô đốc. Nhưng vì lúc ấy, phần lớn quân đội đã bị Chưởng phủ sự (đứng đầu quan hàng võ) Hoàng Công Phụ điều động đi đàn áp các cuộc khởi nghĩa của nông dân ở Hải Dương cả, nên Nguyễn Đình Hoàn phải chỉ huy Hương binh (dân quân ở các làng ven Kinh thành) đánh tan bọn Hoạn quan chỉ huy quân cấm vệ kéo đến đàn áp.
Người con thứ hai của ông Đống là Nguyễn Đình Thạch, tên tự là Tào, tức Tào thái hầu lúc đó đang làm chức Tư lễ giám được ban tước hầu. Theo Gia phả: Nguyễn Đình Thạch đỗ tạo sĩ, vốn là quan võ, trong cuộc nổi dậy này đã cùng anh chỉ huy hương binh chém lại viên quan nội giam (hoạn quan) bảo vệ Cung Thưởng từ nơi Trịnh Giang ở là Quận Bào và Quận Thực (tước Quận công). Sau đó Nguyễn Đình Thạch được phong tước Quận công nên trong gia phả có chỗ chép Tào Quận công, và chuyển sang hàng võ làm Hữu đô đốc, sau đó thăng dần lên. Đặc tiến Phụ quốc thượng tướng quân, đại tư mã, thư phủ sự (chức thứ hai hàng võ trong triều). Vợ Tào Quận công là Nguyễn Thị Y con gái Thượng tướng quân, hữu đô đốc đồng tư Nguyễn Hữu Tế (quê ở xã Tây Tựu, huyện Từ Liêm). Ông có 7 người con trai, con cả là Vũ Trung hầu, chức Tả đô đốc, 2 người con thứ hai và thứ ba đều được tước bá (Thân Võ bá, Khoát Võ bá) và đều là tướng.
Việt sử thông giám cương mục (tập 17, tr.45) đã nhận xét về gia đình “Nguyễn Đình Hoàn là nối đời làm tướng võ…”.
Nhân đây cũng xin cung cấp thêm tư liệu chắc cũng ít người biết vì tuy sử cũ(4) chép nhưng không ghi tên. Đó là Vạn Trung hầu Nguyễn Đình Phấn em ruột Nguyễn Đình Thạch có người con gái là Nguyễn Thị Kimlấy vua Lê Chiêu Thống. Sau khi ông vua này chạy sang nhà Thanh, bà hoàng phi này cắt tóc đi tu ở làng Tỳ Bà (Bắc Ninh), đến năm Giáp Tý (1804) hài cốt Lê Chiêu Thống được mang về quê, bà Kim về Thăng Long để tiếp đón.
Tôi không nói về tính chất và ý nghĩa của các sự kiện trong lịch sử mà chỉ cung cấp tư liệu về một số nhân vật lịch sử để các nhà nghiên cứu và bạn đọc tham khảo.
Đỗ Thỉnh
---
Chú thích:
(1) Đại Việt sử ký toàn thư (Bd.), Nxb. KHXH, H. 1982 (tr.239-241),Việt sử thông giám cương mục (Bd.), Nxb. Sử học, H. 1960 (tập 17, tr.41-42)
(2) (3) (Sđd, tập 17).
(4) Việt sử thông giám cương mục (Sđd, tập 20, tr.67)./.
(Theo Tạp chí Hán Nôm số 2 năm 1990)